Đánh giá của bạn về trang thông tin điện Cẩm Thủy
33674 người đã bình chọn
471 người đang online

Cẩm Thủy – một vùng danh thắng độc đáo ở Thanh Hóa

Đăng ngày 06 - 01 - 2016
100%

Cẩm Thủy là huyện trung du miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Phía Đông giáp huyện Vĩnh Lộc, phía Bắc giáp huyện Thạch Thành, phía Tây giáp huyện Bá Thước, phía Nam giáp huyện Ngọc Lặc.Diện tích 425,3 km2, 20 xã, thị trấn với trên 133,500 ngàn người của ba dân tộc anh em Mường, Kinh, Dao cùng chung sống.

 Thời Đinh, Lê, Lý có tên là Cử Long Man, thời Trần, Hồ lại đổi tên là Lỗi Giang, sang thời Lê sơ có tên là Lạc Thủy, đến Lê Thánh tông (Quang Thuận 1460 – 1469) được đổi tên là huyện Cẩm Thủy và được giữ đến nay.

Nếu ai đến Thanh Hóa, đi qua Khu Du lịch Hàm Rồng, ngắm cây cầu chiến tích, về  Sầm Sơn tắm biển, lên Lam Kinh thăm viếng đền đài vua Lê, đến thăm Thành Nhà Hồ mà không lên xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy chiêm ngắm đàn “cá thần” thì chuyến đi du lịch sẽ như thiếu đi một  “đặc sản  du lịch” của xứ Thanh.

Nhiều người có thể đã biết đến suối cá Cẩm Lương. Đó là một đàn cá đông hàng ngàn con, con lớn nặng tới 5 kg, con nhỏ 0,5 kg. Thân hình của cá đều giống nhau và gần giống cá chép nhưng đuôi dài và đỏ, cá sống thành bầy đàn đông đúc không rời nhau. Những khi cá ra khỏi hang, bơi lội ở dòng suối, mật độ đàn cá đông đến nỗi ta hình dung như một đàn cá đang quây dần trong lưới. Cá sống trong một hang sâu của ngọn núi có tên là Trường Sinh, dòng nước trong xanh chảy ra suối từ ngọn núi này. Suối cá nay có từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết rằng đàn cá từ bao năm nay cứ sinh sôi, nảy nở,  hàng ngày vẫn bơi lội  ra vào, tung, quẫy nô đùa với bà con dân bản, với du khách mà không ai bắt dù chỉ một con nhỏ. Du khách đến đây có thể đưa tay xuống suối mà chạm vào lưng, bụng, đuôi, sờ vào từng chú cá và sung sướng cảm nhận sự thân thiện của thiên nhiên có một không hai ở nước Việt mình qua những cái va chạm thần tiên ấy. Ta cũng sẽ được nghe người già  ở đây kể câu chuyện xưa rằng:  Tương truyền ngày xưa có hai vợ chồng hiếm muộn, hàng ngày thường ra thửa ruộng bên suối để trồng trọt và bắt tôm, cá làm thức ăn.

Một hôm, người vợ vớt được một quả trứng, đem về nhà cho gà ấp thử, ít lâu sau quả trứng nở ra con rắn, được đem ra thả ở suối Ngọc nhưng cứ đến tối con rắn lại về nhà. Lâu dần rắn sống cùng vợ chồng người nông dân nọ. Từ khi có rắn trong nhà, làng quê mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân trong làng quý mến gọi rắn là “chàng rắn”. Bỗng một hôm sấm chớp nổi lên, sáng ra dân làng thấy xác “chàng rắn” dưới chân núi Trường Sinh bên bờ suối Ngọc, lại được thần linh báo mộng: Chàng rắn chết vì chiến đấu giết loài thủy quái về làm hại dân làng nên được Ngọc Hoàng phong chức Tứ Phủ Long Vương.

Cũng từ đó, từ trong núi Trường Sinh có một đàn cá đông đúc bơi ra, ban ngày quanh quẩn bên suối Ngọc để chầu về  đền thờ Tứ Phủ Long Vương, ban đêm bơi vào trong hang núi Trường Sinh. Gần đây nhân dân trong huyện còn phát hiện ra ở mó Đóng, thôn Rùng, xã Cẩm Liên cũng xuất hiện đàn cá như vậy, đông hàng ngàn con bơi ra từ một hang núi và chỉ bơi xa hang núi chừng 500 mét rồi quay trở lại trong hang.

Từ TP Thanh Hóa lên xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy chừng 60 km, chúng ta sẽ gặp một ngọn núi hình con cóc nhô ra sông Mã có tên là Diệu Sơn. Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “Núi Diệu Sơn cách trung tâm huyện Cẩm Thủy ba dặm, trước núi trông ra sông Mã, trên núi có động, trong động có hai chữ lớn là: “Cẩm Vân”, cửa động có hai chữ lớn: “Diệu Trí” khắc vào đá, nay vẫn còn”.

Tương truyền động Diệu Sơn xưa kia còn có chùa phía trong động, nay chỉ có một bệ đá để đồ thờ cúng của du khách. Nếu chúng ta đi sâu vào trong sẽ gặp trên vách đá trong động còn khắc một bài thơ Đường luật của tác giả Nhật Nam nguyên chủ, tức của Chúa Trịnh Sâm khắc vào năm 1770. Có lẽ, người xưa đã từng ngồi trên những phiến đá trước cửa động trông ra dòng sông Mã mênh mang sóng nước, trong khung cảnh đất nước thanh bình, trăng mây muôn phần thơ mộng mà tâm hồn thi sĩ đã thăng hoa nên những vần thơ chứa chan tình yêu sông núi:

“Nhà không, hang rộng thợ trời xây
Màu nhiệm dấu truyền mãi tới nay
Muôn thuở trăng tà thăm động thẳm
Nửa song ghềnh cạn chín vòng xoay
Trong mây chuông vọng xua trần tục
Trước cửa tượng ngồi loang tuyết bay
Đất nước thanh bình vui mở hội
Bút lông bao quát núi sông này”
(Hồng Phi dịch)

Đến Cẩm Thủy chúng ta không quên đến thăm chùa Ngọc Châu (chùa chặng) ở Cẩm Sơn. Cái đặc biệt của ngôi chùa này là chùa làm trong một hang đá,  trong núi Tặng Sơn, bậc tam quan của chùa ở ngay cửa hang. Đây là ngôi chùa cổ  còn lưu giữ bia đá đề năm 1509 và một tấm bia đề năm  1654 nói về quy hoạch lại ruộng chùa và sửa chữa chiếc chuông đá của chùa. Hiện nay còn có một căn nhà sàn được  dựng lên trong khuôn viên chùa, cho khách thập phương tới, sau khi lễ bái,  có chỗ nghỉ  ngơi.

Trước khi chia tay với Cẩm Thủy, chúng ta hãy dừng lại trước Cửa Hà, xã Cẩm Phong. Cửa Hà là tên của một cửa động nằm trong dãy núi Gấm trông ra mép sông Mã, nơi đây tạo hóa khéo tạo  nên một vùng sông núi nên thơ, sông lồng bóng núi, gió lộng, mây bay in bóng bầu trời muôn hình, ngàn dạng khoáng đạt mà tĩnh lặng, tôn nghiêm mà rộng mở.

Áp vào vách động nơi đây từng có đền thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh (tuy nhiên đền thờ này không may đã bị sập, đang có kế hoạch được xây dựng lại).  Kiến trúc đền thờ khi trước  nổi bật lên như một nét chấm phá trong bức tranh thủy mặc đầy ấn tượng,  gợi cho ta cảm giác thiền tâm, tĩnh lòng khi cuộc sống luôn biến động. Trên vách đền thờ áp vào mái đá, vào năm Quý Tỵ 1883 thời Nguyễn, có một văn nhân không rõ tên, đã khắc một bài thơ có nội dung:

“Núi cao vời vợi nước trong xanh
Cảnh cũ người nay thật hữu tình
Những tưởng mình chơi vườn bích ngọc
Vung roi vó ngựa chốn mây xanh
Văng vẳng nhạc thiều, âm sáo trúc
Rì rầm suối Ngọc khúc ngân thanh
Du lãm chốn này bao khách quý
Bồng lai tiên giới tại quê mình”.
(Cao Ngọc Lễ dịch)

 Cửa Hà (Cẩm Thủy - Thanh Hóa), một cảnh đẹp của Sông Mã.

Nhà thơ Tố Hữu năm 1986 về Cẩm Thủy, trước những cảnh đẹp say lòng, ông đã viết những vần thơ tha thiết:

…Nắng vờn núi Gấm chênh chênh,
Sóng rờn sông Mã lượn quanh hàng đồi.
Thuyền chài thôi kiếp dạt trôi,
Thong dong bè nứa, quẫy đuôi cá lồng.
Đôi  bờ xanh nõn ngô đông,
Chè nương lạc bãi, lúa đồng xum xuê.
Áo mầu vui mắt chợ quê,
Ai xa Cẩm Thủy, có về lại lên!

Đến Cẩm Thủy chúng ta còn được thưởng thức nhiều món ẩm thực hấp dẫn như: món cá trắm sông Mã hấp lá đu đủ thơm và bùi, gà đồi thịt giòn và ngọt, ếch hấp củ chuối… và không thể thiếu những đêm nghe điệu Xường ngân nga trong ánh lửa nhà sàn, bên hũ rượu cần đón bạn đường xa mới đến chơi nhà, chơi bản…

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương đón hơn 30.000 lượt khách Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024(15/02/2024 9:23 SA)

    UB MTTQ và Huyện Đoàn Cẩm Thuỷ tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh du lịch tại thôn Lương...(17/10/2018 2:54 CH)

    Huyện Cẩm Thủy: Huy động mọi nguồn lực, phấn đấu trở thành địa bàn du lịch trọng điểm (07/01/2016 8:16 SA)

    Cẩm Thủy – một vùng danh thắng độc đáo ở Thanh Hóa(06/01/2016 10:26 SA)

    Suối cá thần Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa(20/05/2013 9:44 SA)

    °