Đánh giá của bạn về trang thông tin điện Cẩm Thủy
33660 người đã bình chọn
1210 người đang online

Cẩm Thủy - Tiềm năng và lợi thế

Đăng ngày 04 - 12 - 2012
100%

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN:
Cẩm Thủy là một huyện trung du miền núi nằm ở phía Tây - Bắc của tỉnh Thanh Hóa, cách Thành phố Thanh Hóa 70 Km. Diện tích 425,03 Km2, phía đông giáp huyện Vĩnh Lộc; phía Bắc giáp huyện Thạch Thành; phía tây giáp huyện Bá Thước; phía nam giáp huyện Ngọc Lặc và Yên Định.
Địa hình thấp dần theo hướng Tây bắc - Đông nam, độ cao trung bình 200 - 400 m, độ dốc trung bình 25 - 30 0, có núi Đèn cao 953 m, núi Hạc cao 663 m, giữa có thung lũng sông Mã chảy dài hơn 40 km nên huyện có một nguồn nước lớn phục vụ đời sống và sinh hoạt cho nhân dân trong huyện.
          Cẩm Thuỷ có khí hậu nhiệt đới gió mùa, không quá nóng, mưa vừa phải, mùa đông lạnh, tương đối khô, biên độ tương đối lớn. Tổng nhiệt độ trong năm 8.400 - 8.500oC. Nhiệt độ trung bình tháng Giêng là 15,5 - 16,0oC, tháng Bảy là 28 - 29 oC. Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối có thể xuống tới 2oC, tối cao tuyệt đối có thể tới 38 - 40oC. Lượng mưa trung bình năm 1.600 - 1.900 mm. Hàng năm có 10 -15 ngày có gió Tây khô nóng. Sương muối chỉ xảy ra trung bình vào một – ba ngày trong mùa đông.
          Cẩm Thuỷ có địa hình dạng lòng chảo và thấp dần từ phía tây nam và đông bắc xuống thung lũng sông Mã, trong đó trên 80 % diện tích là đồi núi. Huyện có các loại đất sau: đất feralit nâu đỏ phát triển trên các loại đá macma bazơ và trung tính, đất feralit vàng nhạt phát triển trên đá cát, đất feralit đỏ vàng phát triển trên đá biến chất, đất feralit sói mòn trơ sỏi đá, nhìn chung thích hợp cho việc trồng cây lâm nghiệp (ở trên cao) và cây công nghiệp lâu năm, hàng năm và màu lương thực (ở dưới thấp). Huyện có phù sa thích hợp cho việc trồng lúa và cây công nghiệp. Ngoài ra còn có đất dốc tụ, đất lầy chân núi, nhờ tiêu nước có thể trồng lúa.
Diện tích đất đai: 42.503,7 ha.
          Trong đó: + Đất nông nghiệp: 30.003,95 ha
                           + Đất phi nông nghiệp: 5.709,39 ha.
                           + Đất ở: 813,73 ha                             
                           + Đất chưa sử dụng: 6.790,36 ha (Đây là một nguồn lực quan trọng để phát triển các trang trại nông nghiệp, lâm nghiệp, cây công nghiệp và chăn nuôi trâu, bò, dê).
           Dân số 111.638 người, số hộ 22.154 hộ; có 3 dân tộc anh em sinh sống, trong đó: dân tộc Mường 52,4 %, dân tộc Kinh 44,5 %, dân tộc Dao 2,9 % còn lại là các dân tộc khác. Người Cẩm Thuỷ có truyền thống đoàn kết cần cù, chịu khó, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và có nhiều đóng góp cho đất nước: Có 02 xã là Cẩm Vân và Cẩm Sơn đạt danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân, 01 anh hùng liệt sỹ, 42 Bà mẹ Việt nam anh hùng, 03 gia đình có công giúp đỡ cách mạng; 03 cán bộ tiền khởi nghĩa; 02 lão thành cách mạng, 29 thương binh hạng 1/4; có 967 thương binh các loại, có 1.658 liệt sỹ.
Toàn huyện có 19 xã và 01 thị trấn, bao gồm: Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Liên, Cẩm Lương, Cẩm Bình, Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Quý, Cẩm Sơn, Cẩm Châu, Cẩm Phong, Cẩm Ngọc, Cẩm Long, Cẩm Phú, Cẩm Tâm, Cẩm Yên, Cẩm Vân, Cẩm Tân, Phúc Do và Thị trấn Cẩm Thủy. Có 10 xã được công nhận là xã vùng cao, trong đó: 4 xã đặc biệt khó khăn (thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, gồm xã Cẩm Liên, Cẩm Lương, Cẩm Quý, Cẩm Châu.
          Cẩm Thủy có đường Quốc lộ 217 dài 40 km chạy qua các xã Cẩm Vân, Cẩm Tân, Cẩm Ngọc, Cẩm Phong, Thị trấn Cẩm Thủy, Cẩm Bình, Cẩm Thạch, Cẩm Thành; đường Hồ Chí Minh dài 18km đi qua các xã Cẩm Tú, Cẩm Phong, Cẩm Sơn, Cẩm Châu. Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217, sông Mã giao nhau tại thị trấn Cẩm Thuỷ tạo điều kiện gắn Cẩm Thuỷ với các lãnh thổ kinh tế trong và ngoài tỉnh, nhất là với thủ đô Hà Nội.
          Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của huyện được cải thiện một bước, các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được quan tâm đầu tư xây dựng: 100 % số xã có điện lưới quốc gia; được phủ sóng truyền hình; có đường ô tô đến trung tâm xã; có điểm bưu điện văn hoá; có trạm truyền thanh. Có 96 % số hộ dùng điện, hàng năm bê tông hoá hàng chục Km đường giao thông nông thôn.
          Huyện có 72 trường học ở các cấp học phổ thông, trong đó có 03 trường THPT, 01 Trung tâm Dạy nghề, 01 Trung tâm GDTX; Có 08 trường đạt chuẩn Quốc gia (07 trường Tiểu học, 01 trường THCS); 01 Bệnh viện đa khoa, 01 Trung tâm Y tế dự phòng, 20 Trạm Y tế xã, thị trấn (có 10 xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế).   
 
          II. TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH VÀ CƠ HỘI ĐẦU TƯ:
          1. Tiềm năng và thế mạnh:
          - Với vị trí nằm giao giữa đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217, Tỉnh lội 519 và dòng sông Mã chảy qua đã tạo cho Cẩm Thuỷ điều kiện và cơ hội thông thương với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh: Bỉm Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Thành phố Thanh Hóa, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
          - Cẩm Thuỷ có lực lượng lao động dồi dào, trẻ, năng động, đã dần tiếp cận với nền kinh tế thị trường, hàng năm có gần 1.000 lao động được đào tạo, xuất khẩu trên 100 lao động. Đây là nguồn lao động có đủ điều kiện phục vụ cho nền sản xuất công nghiệp.
          - Cẩm Thuỷ có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng: Nhiều mỏ vàng có thể khai thác ở quy mô công nghiệp: Cẩm Quý, Cẩm Tâm, Cẩm Long…quặng phốt phát ở Cẩm Tú, Cẩm Sơn, Cẩm Giang, Cẩm Thành… than bùn và than đá ở Cẩm Yên, Cẩm Ngọc, Cẩm Phú… quặng ở Cẩm Tú, Cẩm Giang, Cẩm Quý…Đất đai màu mỡ phù hợp cho sự phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp (cao su, luồng, tre, nứa), cây công nghiệp ngắn ngày (mía), cây màu lương thực (Ngô, lúa, đậu, lạc) và phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng (gạch). Nguồn nước mặt sông Mã và nguồn nước ngầm đủ cung cấp phục vụ sản xuất và sinh hoạt của huyện.
          - Với diện tích khoảng 7.000 ha và có trữ lượng lớn núi đá vôi, nằm không xa các trục giao thông chính, đây là nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Xi măng, đá ốp lát xuất khẩu.
          - Với diện tích trên 15.000 ha rừng diện có, gần 2000 ha rừng trồng; Cây lâm nghiệp chủ yếu là lát, lim, tràm, keo, luồng, tre, nứa…đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho sản xuất mây tre đan xuất khẩu, đồ mộc, giấy…
          - Mạng lưới chợ được phát triển ở hầu hết các xã, một số chợ nổi tiếng: Chợ Phong Ý (Cẩm Phong), Chợ Bãi Màu (Cẩm Vân), chợ Cẩm Sơn, chợ Vạc (Cẩm Thành)… bán các mặt hàng nông – lâm sản của địa phương và các sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi. Trung tâm thương mại huyện bán các sản phẩm điện tử, điện lạnh và các mặt hàng tiêu dùng cao cấp.
          - Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng: 100 % số xã có đường giao thông đến trung tâm, 100 % số xã có điện, 96 % số hộ dùng điện; hệ thống trường học được kiên cố và cao tầng, 100 % trạm y tế xã có bác sỹ, có 10/20 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 90 % số hộ dùng nước sạch, 100 % số xã có điểm bưu điện văn hoá, 17 xã có trạm truyền thanh.
          - Cẩm Thuỷ là nơi có mật độ di tích và danh thắng cao, nhiều di tích lịch sử văn hoá và danh thắng đã được xếp hạng: Di chỉ khảo cổ Làng Hạ (Cẩm Sơn), Đền Ngọc (Cẩm Lương), Thung Chẹ, Chùa Bình Vôi (Cẩm Phong), Thung Phổ (Cẩm Thành), Cửa Hà (Cẩm Phong), Động Vân Màu, Động núi Vụng Thung, Eo Lê, núi và động Diệu Sơn (Cẩm Vân), Chùa Rồng (Cẩm Thạch), Chùa Chặng (Cẩm Sơn), Chùa Vọng (Cẩm Giang).
          Đặc biệt, được thiên nhiên ban tặng, tại Làng Ngọc, xã Cẩm Lương có suối cá, với giống cá quý, màu sắc sặc sỡ được nhân dân trong vùng gọi là cá thần, hàng năm đã có hàng chục nghìn du khách đến thăm. Năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và phát triển du lịch suối cá Cẩm Lương. Đến nay suối cá Cẩm Lương là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, tạo ra Tuor du lịch trong tỉnh: Hàm Rồng (TP Thanh Hoá) - Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc) - Suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thuỷ) - Lam Kinh (Thọ Xuân) và Tuor du lịch trong huyện: Cửa Hà (Cẩm Phong) – suối cá làng Ngọc (Cẩm Lương) – Chùa Rồng (Cẩm Thạch) –Ngọc Châu Tự (Cẩm Sơn).
          2. Lĩnh vực và dự án kêu gọi đầu tư:
          Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư.
+ Về Công nghiệp:
Khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy Xi măng, nhà máy gạch Tuynel. Các cơ sở sản xuất đá xuất khẩu và vật liệu xây dựng dân dụng.
+ Về Tiểu thủ Công nghiệp:
Khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, cơ sở sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu, chế biến nông sản.
+ Về Xây dựng cơ bản: Khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, cơ sở y tế.
+ Về dịch vụ thương mại:
Khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, nhất là khu du lịch suối cá Cẩm Lương
 

<

Tin mới nhất

Cẩm Thủy - Tiềm năng và lợi thế(04/12/2012 9:41 SA)

Cẩm Thủy - Tiềm năng và lợi thế(04/12/2012 9:41 SA)

°